Ba biết câu “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Ba được học, hiểu ý nghĩa và đã vô tình quên mất. Ba từng làm phiền lòng ông bà nội và trở thành nỗi thất vọng của gia đình. Bà nội – người luôn thiên vị và ủng hộ ba, cay đắng mỗi khi ai nói: “Con hư tại mẹ”.
Ba vào Đại học Bách khoa năm 18 tuổi, tự động bỏ ngang năm 21 tuổi. Chơi vơi, lạc lõng giữa lòng TP HCM đầy náo nhiệt. Ba đã tiêu tốn hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, thậm chí hàng năm, lúc chơi game, lúc bên ly cafe, lúc bên bàn nhậu, để tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Ba có thể làm gì? Ba sống vì mục đích gì? Đâu là lý tưởng của đời ba?
Thời gian không chờ đợi ai. Trong lúc ba cứ loay hoay lãng phí tuổi trẻ của mình, bạn bè ba đều đã có những thành công nhất định. Người có sự nghiệp, người có gia đình… còn ba luôn tìm ra lý do để lẩn tránh bạn bè những dịp lễ Tết, cưới hỏi. Bà nội và các chú bác đều mặc nhiên rằng ba là người thất bại nhất trong gia đình. Chỉ trong sâu thẳm tâm hồn, ba tin rằng ba chưa thất bại, ba sẽ làm được, chỉ là ba chưa biết nên phải làm gì?
Ba đã đi học lại đại học, tìm được công việc làm để bám trụ ở thành phố rồi ba gặp được mẹ con. Khi mọi người đều mất niềm tin vào ba thì mẹ con làm điều ngược lại. Mẹ con đã ủng hộ và tin tưởng ba. Ngày ba tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, ba biết mình đã tìm lại được chính mình và hơn tất cả, ba đã tìm được nửa kia của đời mình.
Ba và mẹ trở về quê để làm việc, tránh xa những bon chen, chật chội, kẹt xe, ô nhiễm môi trường và tình người thiếu nồng ấm ở thành phố. Rồi ba và mẹ đã có một đám cưới bình dị và nhẹ nhàng. Ba trở thành người đàn ông có gia đình, nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm hơn với cuộc sống. Tuy vậy, những thói quen xấu từ nhỏ của ba như bừa bộn, lười nhác việc nhà, hay la cà chè chén với bạn bè thì vẫn chưa thay đổi.
Và rồi con xuất hiện. Từ lúc mẹ mang thai con, ba đã biết phải nhẹ nhàng với mẹ, luôn làm cho mẹ vui, nhà cửa phải sạch sẽ. Mọi người nói môi trường sống sạch sẽ, tinh thần mẹ con vui tươi thì sau này sinh con mới khỏe mạnh. Ba đã biết từ chối những buổi nhậu để về sớm với mẹ con, đấm bóp cho mẹ mỗi khi nhức mỏi, thức dậy mỗi đêm khi mẹ bị chuột rút. Thời gian chờ đợi 9 tháng 10 ngày thật dài. Mỗi tháng khi siêu âm thấy con, ba mẹ đều xúc động và thầm cảm ơn ông trời ban tặng con cho ba mẹ.
Những chờ đợi của ba mẹ rồi cũng qua khi ba ôm con từ phòng sinh của bệnh viện. Nhìn thấy con khỏe mạnh, đầy đủ hình hài, ba mẹ thật mừng và hạnh phúc. Mẹ con sinh mổ nên yếu sức. Ba học tập cách thay tã, cách cho con bú, cách chăm sóc bà bầu. Tuy có bà nội và các bác nhưng ba muốn tự mình làm cho hai mẹ con và thật không ngờ, ba đều làm được tất cả, những công việc tưởng chừng khó khăn cho cánh đàn ông, ba đều làm tốt.
Đà Lạt tháng 11 thật lạnh, ba học tập ông bà ngày xưa, hàng ngày đều về sớm, nhóm một bếp than, vừa nấu nước chè cho con tắm khỏi bị rôm sảy. Ba người trong gia đình ta quây quần bên bếp than hồng, mẹ con ngồi xông hơi, xoa bóp rượu gừng, ba ngồi hơ trầu cho con.
Từ khi có con, ba đã biết tới việc vệ sinh nhà cửa, chà rửa toilet, giặt giũ đồ đạc hàng ngày, tranh thủ về sớm chơi với con. Vui khi con khỏe mạnh, lo âu và thức đêm những khi con bị bệnh, bị sốt. Chứng kiến con lớn khôn từng ngày, ba cũng thay đổi từng ngày. “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, ba đã tìm ra lý tưởng sống của đời mình khi có con
Nay con được một tuổi, ba có quà tặng muốn gởi đến con, đó là: “Cảm ơn con đã đến trong cuộc đời của ba”